Cuộc đua số trong quản lý, vận hành tòa nhà

Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 150 công ty tham gia lĩnh vực proptech. Trong số đó, khoảng 50% công ty tập trung vào mảng nhà ở và văn phòng với giá trị thị trường khoảng 500 triệu USD. Đây là con số khởi điểm và hứa hẹn còn tăng trưởng trong thời gian tới.

Công nghệ lấn mạnh vào các dự án của chủ đầu tư

Cuộc đua công nghệ càng trở nên khốc liệt hơn khi có sự tham gia không chỉ doanh nghiệp quốc tế, mà loạt doanh nghiệp trong nước cũng đang mở rộng thị phần, đưa công nghệ trở thành chiến lược phát triển dài hơi.

Trong đó, nền tảng số vận hành và quản lý tại các tòa nhà đang được nhiều chủ đầu tư áp dụng. Một số đơn vị công nghệ tận dụng triệt để nhu cầu này tấn công mạnh vào toàn bộ quy trình hậu dự án của chủ đầu tư.

Mới đây, Houze Group ký kết hợp tác với Nam Long Service, thành viên của Tập đoàn Nam Long về việc cung cấp nền tảng số vận hành và quản lý tại các dự án chung cư như Ehome 3 Tây Sài Gòn, EhomeS Nam Sài Gòn,… Trước đó, nền tảng này của Houze Group cũng đã triển khai tại các dự án của Tập đoàn Nam Long như Flora Mizuki, Flora Kikyo,… Và mục tiêu tiếp theo là hướng đến các khu đô thị lớn của chủ đầu tư này. Nền tảng quản lý vận hành chung cư và khu đô thị của Houze Group hiện đang được triển khai tại hơn 55.000 căn hộ của hơn 70 dự án.

Không chỉ hỗ trợ ban quản lý tương tác hiệu quả với cư dân thông qua các tính năng trên app như thông báo tự động, thanh toán online, tiếp nhận và xử lý yêu cầu của cư dân nhanh chóng, đăng ký tiện ích nội khu, bình chọn trực tuyến,… Nền tảng của Houze vừa ra mắt dịch vụ dành cho gia đình như sửa chữa, vệ sinh thiết bị điện lạnh, dọn dẹp căn hộ, chăm sóc cây xanh,… để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu cuộc sống của cư dân tại chung cư.   

Trước đó, Savills Việt Nam cũng đã phát triển thành công ứng dụng Property Cube trong hoạt động quản lý, vận hành các dự án bất động sản. Ở đó, người dùng có thể nhận được các thông tin từ ban quản lý, đặt lịch sử dụng các tiện ích trong tòa nhà, quản lý khách thuê, thanh toán phí dịch vụ… Giải pháp công nghệ này được chính Savills quản lý vận hành.

Trong khi đó, Salink là ứng dụng phát triển bởi công ty quản lý vận hành tòa nhà Savista, vừa phục vụ tại các dự án do Savista quản lý, vừa bán cho khách hàng bên ngoài.

Mảng công nghệ của VinGroup cũng đáng chú ý khi chủ đầu tư này tự phát triển ứng dụng Vinhomes Resident dành riêng cho dự án của mình.

Phần mềm quản lý tòa nhà Luci Building – ứng dụng quản lý khu đô thị thông minh ra đời trước đó cũng tạo được sự chú ý. Theo đó, hệ thống của nền tảng này bao gồm web vận hành dành cho chủ đầu tư, bản quản lý tòa nhà, khu đô thị. App cài đặt trên điện thoại dành cho cư dân theo dõi tin tức thông báo của tòa nhà, tương tác phản ánh tới ban quản lý, đặt dịch vụ tiện ích và thanh toán phí dịch vụ…

Ngoài ra, loạt phần mềm quản lý tòa nhà như Cyhome, BuildingIQ, Nantum OS, Building Care, NOZZA, Landber Building, BEE BMS, Landsoft Control… đang tạo nên cuộc đua công nghệ trong quản lý, vận hành tòa nhà, mở ra những trải nghiệm thiết thực cho người sử dụng.

Dư địa phát triển còn lớn?

Theo thống kê, hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 150 công ty tham gia lĩnh vực proptech. Trong số đó, khoảng 50% công ty tập trung vào mảng nhà ở và văn phòng với giá trị thị trường khoảng 500 triệu USD. Đây là con số khởi điểm và hứa hẹn còn tăng trưởng trong thời gian tới.

Khi công nghệ phát triển như vũ bão, ngày càng có nhiều người dân lựa chọn chung cư có chất lượng dịch vụ tốt. Bên cạnh những tiện ích chung thì việc quản lý, đảm bảo đời sống của cư dân được thuận tiện cũng là yếu tố cân nhắc khi lựa chọn một nơi để an cư. Chính vì thế, việc quản lý, vận hành tòa nhà chuyên nghiệp đã và đang góp phần tăng trải nghiệm cho cư dân, nâng cao hình ảnh của chung cư và uy tín của chủ đầu tư hoặc các nhà phát triển dự án.

Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ trong quản lý bất động sản đã có từ lâu trên thế giới và đang trở thành xu thế tại Việt Nam. Riêng với nền tảng quản lý chung cư theo mô hình mới hiện đại, chuyên nghiệp đang khá thịnh hành, được các chủ đầu tư dự án ứng dụng.

Nhìn trên thế giới, lĩnh vực Proptech đã tham gia sâu hơn trong quá trình phát triển dự án. Khi dự án chưa phát triển lên thành tòa nhà đã có thể ứng dụng công nghệ vào bản vẽ và tối ưu những chi phí trong quá trình phát triển dự án đó. Ứng dụng công nghệ để khi toà nhà đi vào vận hành có thể tiết kiệm các chi phí. Đây cũng sẽ là một xu hướng của Việt Nam trong tương lai.

Có thể thấy, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho việc phát triển Proptech, khi mà đa số người dân đều xem bất động sản là một kênh đầu tư cả ngắn hạn và dài hạn. Chưa kể, với đa dạng loại hình bất động sản từ dự án nhà ở, thương mại cho đến khu công nghiệp thì khả năng ứng dụng của Proptech còn dư địa khá lớn.

Trong 2 năm 2020-2021, khi dòng vốn đầu tư trên toàn cầu dành cho lĩnh vực Proptech đạt trên 10 tỷ USD/năm, các thị trường đi đầu trong lĩnh vực Proptech tại khu vực Châu Á như Trung Quốc, Hongkong, Singapore cũng đã bắt đầu nhận nguồn vốn đầu tư ấn tượng với khoảng 700 triệu USD. Các công ty này chủ yếu cung cấp các giải pháp công nghệ cho tòa nhà, từ việc xây dựng nền móng cho tới việc cải tiến các kỹ thuật, cung cấp các nghiên cứu cần thiết để đạt tính hiệu quả cao nhất trong quản lý.

Theo chuyên gia Savills Việt Nam, trên thị trường hiện nay, các khoản đầu tư vào lĩnh vực Proptech phần lớn được đổ vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cho hoạt động kết nối người dùng cuối và các vụ liên quan đến quản lý, hỗ trợ tăng giá trị cho bất động sản.

Báo cáo của đơn vị này chỉ ra, vốn đầu tư vào lĩnh vực Proptech đã tăng từ dưới 1 tỷ đô vào năm 2013 lên mức cao nhất là hơn 22 tỷ đô vào năm 2021 với gần 1.200 giao dịch. Từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 10 tỷ đô đã được đầu tư vào các công ty PropTech trên toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại có chưa đến 9% các dự án bất động sản thương mại toàn cầu sử dụng công nghệ thông minh hay các phần mềm proptech trong quy trình vận hành.

Trong tình hình hiện nay, khi áp lực chi phí năng lượng đã ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu thì việc tích hợp công nghệ trong bất động sản có thể mang tới những thông tin quan trọng về hiệu quả sử dụng năng lượng, từ đó góp phần hỗ trợ quản lý chi phí tốt hơn.

Từng chia sẻ về câu chuyện quản lý vận hành tòa nhà, bà Vũ Ngọc Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và dịch vụ Sao Kim (Venus Corporation) cho rằng, vấn đề quan trọng với bất động sản không phải nằm ở khâu xây dựng hay bán hàng mà là ở khâu xử lý vận hành, khi dự án đi vào sử dụng. Đây là câu chuyện liên đới nhiều bên: Chủ đầu tư, khách hàng (bao gồm ban quản trị), đơn vị quản lý vận hành và chính quyền nhà nước.

Hiện nay công nghệ đang giải quyết những vướng mắc trong quản lý, vận hành tòa nhà.

“Thực tế, hiện nay các chủ đầu tư đều vướng mắc ở khâu là luôn muốn bán một sản phẩm mà khách hàng vào ở cảm thấy hài lòng nhất. Nhưng lại không phải chủ đầu tư nào cũng tự làm và cân nhắc đúng được điều đó. Do đó, việc chủ đầu tư dự trù ngân sách để tạo nên khâu vận hành, quản lý chất lượng tốt là việc nên làm, bao gồm cả đầu tư các nền tảng công nghệ quản lý. Công nghệ đang là xu hướng tất yếu và quyết định sự phát triển lâu dài của ngành bất động sản tại Việt Nam ”, bà Hương nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Vũ Tiến Thành, Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Quản lý Bất động sản DKRA (DKRA Living) cho hay, hiện nay xu hướng công nghệ đã quá quen thuộc trong ngành bất động sản nói chung và lĩnh vực quản lý vận hành nói riêng.

Việc áp dụng công nghệ vào trong công việc quản lý vận hành giúp giải quyết được rất nhiều những vấn đề tồn đọng của các đơn vị quản lý, nâng cao được chất lượng dịch vụ, gia tăng mức độ hài lòng của cư dân và khách hàng.

“Như trường hợp của dự án Chateau một khu biệt thự cao cấp kiểu mẫu tại Tp.HCM đang được DKRA Living quản lý khi áp dụng công nghệ dịch vụ quản lý vận hành được nâng cấp và giúp cư dân có trải nghiệm sống tốt hơn, từ đó dự án cũng gia tăng được uy tín và nâng cao giá trị”, ông Thành dẫn chứng.

Nhìn về tiềm năng phát triển trong dài hạn, ông Matthew Fitzgerald, Giám đốc Bộ phận Đại diện Khách thuê Savills khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi nhận định, Proptech được xem là lĩnh vực sẽ được tiếp tục phát triển và trở nên hoàn thiện trong thời gian tới.

“Tuy là thị trường còn khá non trẻ về công nghệ, nhưng Việt Nam sẽ có đủ khả năng và cơ hội để theo kịp các thị trường công nghệ khác nhờ nguồn cung và cầu của thị trường là rất lớn, sự phát triển và thích ứng nhanh với công nghệ. Ngoài ra, việc Việt Nam vẫn là thị trường khá mới của lĩnh vực công nghệ cũng là dư địa để thu hút được sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế”, vị này nhấn mạnh.

Hạ Vy

Nguồn CafeF