99 Group tìm gì từ “di sản” của Propzy?

Nếu việc sáp nhập Propzy vào 99 Group diễn ra, đó có thể là cơ hội để công ty proptech (bất động sản công nghệ) của Singapore mở rộng thị trường
Nếu việc sáp nhập Propzy vào 99 Group diễn ra, đó có thể là cơ hội để công ty proptech (bất động sản công nghệ) của Singapore mở rộng thị trường. Ảnh: TL

Nếu việc sáp nhập Propzy vào 99 Group diễn ra, đó có thể là cơ hội để công ty proptech (bất động sản công nghệ) của Singapore mở rộng thị trường hoặc chỉ đơn thuần là sắp xếp lại danh mục đầu tư của Gaw Capital Partners nhằm chuẩn bị cho các vòng gọi vốn tiếp theo.

Bước chân vào Việt Nam

Theo nguồn tin riêng của NCĐT, 99 Group đang thương thảo sáp nhập Propzy để gia nhập vào thị trường bất động sản Việt Nam. Sự kiện này nhanh chóng thu hút giới truyền thông vì việc sáp nhập Propzy là lý do hợp lý để chuẩn bị cho đợt gọi vốn tiếp theo của đơn vị này.

Trước đó, vào tháng 7, truyền thông quốc tế loan tin 99 Group đã huy động thêm 52 triệu USD do Gaw Capital Partners dẫn dắt, nâng tổng số vốn đơn vị này huy động được lên 80 triệu USD. Đáng chú ý, trong vòng gọi vốn mới nhất chỉ 37 triệu USD được xuống tiền ngay, 15 triệu còn lại sẽ huy động trong các tháng tới.

Chính vì thế, việc sáp nhập Propzy, để gia nhập thị trường bất động sản Việt Nam, vốn được định giá 205 tỉ USD năm 2020, bao gồm thứ cấp và sơ cấp, (theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) là một lý do không thể chính đáng hơn để 99 Group huy động số tiền còn lại.

Khá thú vị là các công ty proptech Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ kể từ sau khi Propzy công bố thu hẹp hoạt động. TopenLand của Tập đoàn Hưng Thịnh là người chơi mới nhất tham gia thị trường proptech ở Việt Nam. Tại buổi ra mắt, đơn vị này công bố đã có 15.000 tin đăng và 20.000 nhân viên tham gia kết nối cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Ông Trần Quang Trình, Tổng Giám đốc TopenLand, cho biết đây là một nền tảng mở cho tất cả mọi người tham gia, cùng chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, cơ hội và trao quyền để các bên chủ động, phát huy tiềm năng và giá trị của mình.

Trước đó, MGi Proptech công bố nhận đầu tư vòng hạt giống từ quỹ VIISA, Houze cũng công bố nhận thêm 2 triệu USD từ Tập đoàn DKRA. So với thời điểm cách đây 6 năm, thị trường proptech Việt Nam đã sôi động hơn. Có thể thấy ngoài những cái tên khai phá thị trường như Propzy, Rever nay đã đa dạng hơn cả về 

chất lượng lẫn số lượng khi chứng kiến nhiều đơn vị tham gia hơn, xuất phát từ các nhà phát triển bất động sản, nhà môi giới truyền thống chứ không chỉ các công ty công nghệ như trước kia. Dịch vụ cũng vì thế đa dạng hơn, bên cạnh kết nối môi giới, còn là dịch vụ quản lý tòa nhà, tài chính cho bất động sản.

Giải thích về hiện tượng này, ông Đoàn Tùng, Phó Giám đốc Tiếp thị và Tăng trưởng hệ sinh thái Houze, cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam – yếu tố quan trọng tác động đến thị trường bất động sản – được đánh giá là cao nhất khu vực Đông Nam Á. World Bank va Bloomberg dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 8%/năm cuối năm 2022. Các quỹ đầu tư lớn như Sequoia, Lightspeed, Accel, Insignia, Jungle Ventures… cũng đã hoàn thành vòng huy động cho các quỹ mới lên tới hơn 3 tỉ USD để đầu tư vào thị trường Ấn Độ và Đông Nam Á.

“Proptech là lĩnh vực quan trọng trong hệ sinh thái startup Việt Nam, chắc chắn cũng được hưởng lợi từ việc này. Đó là lý do các công ty proptech vẫn tiếp tục xuất hiện, gọi vốn thành công, mở rộng kinh doanh”, ông Đoàn Tùng nhận định.

Toan tính của 99 Group

99 Group thành lập vào năm 2014 bởi ông Darius Cheung. Công ty này đang vận hành 4 nền tảng bất động sản ở Singapore và Indonesia là 99.co, Rumah123, iProperty và SRX. Doanh thu chính của 99 Group ở Singapore, Indonesia thông qua mô hình listing  (rao vặt) nhờ vào thế mạnh tạo ra các sản phẩm dựa trên công nghệ  tìm kiếm tốt. Nhưng ở Singapore, thị trường chính của 99 Group, Công ty đang chịu cạnh tranh từ đối thủ dẫn dắt thị trường là PropertyGuru.

Việc mở rộng của đơn vị này không đơn thuần là thị trường mà còn là lấn sân cả dịch vụ môi giới truyền thống. Điển hình như ở Việt Nam, nếu chỉ đơn thuần là rao vặt và muốn có lợi nhuận từ đó, 99 Group sẽ phải vượt qua Batdongsan.com.vn (trực thuộc PropertyGuru) và  Chợ Tốt Nhà (trực thuộc Carousell). Một cuộc đua được cảnh báo là rất tốn kém vì cả 2 đều đã nắm giữ phần lớn thị phần mảng rao vặt bất động sản ở Việt Nam. Nhất là Chợ Tốt Nhà, thông tin tự bạch của công ty này cho biết nếu xét lượng truy cập chỉ thuần về mua bán nhà cửa và cho thuê nhà đất, Chợ Tốt Nhà đang độc chiếm ngôi vương về lượt truy cập. Đơn vị này cũng đã úp mở về việc lấn sân sang môi giới truyền thống ứng dụng công nghệ trong năm nay.

Do đó, việc sáp nhập với Propzy, theo truyền thông của công ty hiện là đơn vị môi giới công nghệ kết hợp mô hình truyền thống, là lựa chọn tốt cho 99.co. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Có thể thấy bất động sản Việt Nam là thị trường mà sơ cấp vẫn đang phát triển vì tốc độ đô thị hóa cao nên phần lớn nguồn lực, cả môi giới công nghệ lẫn bất động sản truyền thống đều tập trung phục vụ. Chính vì thế, giá trị giữa công ty proptech và môi giới truyền thống, ước tính chưa chính thức là hơn 1.000 sàn môi giới ở Việt Nam, không quá khác biệt.

Để tạo lợi thế, các công ty protech ở Việt Nam đang cố gắng chạm vào thị trường thứ cấp với chi phí tối ưu nhất vì dù tiềm năng nhưng doanh thu và lợi nhuận đem lại ở thị trường này chưa rõ ràng trong thời điểm hiện tại. Đây cũng là bài toán mà 99.co phải ngồi lại giải cùng Propzy.

Ông Đoàn Tùng của Houze cho rằng, đối với các thị trường có tính địa phương cao như bất động sản Việt Nam, các công ty proptech phải có quan hệ với chủ đầu tư để có lợi thế về hàng hóa, đồng thời phải am hiểu pháp lý để giảm thiểu rủi ro. “Với proptech thì phải kết hợp được truyền thống – công nghệ hay còn gọi là kết hợp offline – online, lắng nghe sự điều chỉnh của thị trường để định hình công nghệ lõi”, ông Đoàn Tùng nói.

Thế nên, kể cả sáp nhập Propzy thì con đường của 99 Group ở Việt Nam  không hẳn bằng phẳng. Hoặc cũng có thể thương vụ sáp nhập là cách Gaw Capital Partners sắp xếp lại danh mục đầu tư, tạo bàn đạp giúp 99 Group thu hút dòng vốn ở các vòng tiếp theo để tập trung cho thị trường nổi bật nhất Đông Nam Á hiện nay là Indonesia.

Huy Vũ

Nguồn Báo Nhịp cầu đầu tư